GIÁO LÝ CÔNG GIÁO – (NHỮNG ĐIỀU CẦN GHI NHỚ)

Lưu bản nháp tự động
TÂM LINH
GIA ĐÌNH SỐNG TIN MỪNG TÌNH YÊU

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

(NHỮNG ĐIỀU CẦN GHI NHỚ)

PHẦN I: NIỀM TIN

1.
H. Ta sống ở đời này để làm gì?
T. Ta sống ở đời này để tìm hạnh phúc, và hạnh phúc thật là được hiệp thông với Thiên Chúa.
2.
H. Ta có thể nhận biết Thiên Chúa bằng cách nào?
T. Ta có thể nhận biết Thiên Chúa bằng hai cách này:
– Một là nhờ xem vẻ đẹp kỳ diệu và trật tự lạ lùng của vũ trụ.
– Hai là khi nhìn vào lòng mình, thấy có tiếng lương tâm bảo làm lành lánh dữ, có tự do và khát vọng hạnh phúc vô biên.
3.
H. Tổ tông loài người đã phạm tội gì?
T. Tổ tông loài người đã lạm dụng tự do mà không vâng phục Thiên Chúa, từ chối tình yêu và sống đối nghịch với Người. Đó là tội tổ tông.
4.
H. Sau khi tổ tông phạm tội, Thiên Chúa có bỏ loài người không?
T. Không. Thiên Chúa chẳng bỏ mà lại hứa ban Đấng Cứu Thế để cứu chuộc loài người.

CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI

5.
H. Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người như thế nào?
T. Chúa Cha đã dùng quyền năng Chúa Thánh Thần cho Ngôi Hai “nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người”
6.
H. Vậy Chúa Giêsu Kitô là người hay là Thiên Chúa?
T. Chúa Giêsu vừa là người thật như ta, vừa là Thiên Chúa thật như Chúa Cha. Người vừa có bản tính loài người, vừa có bản tính Thiên Chúa, trong cùng một Ngôi vị duy nhất, là Ngôi Hai Thiên Chúa.
7.
H. Cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu đã diễn ra thế nào?
T. Chúa Giêsu đã sinh ra tại làng Bêlem, sống ẩn dật tại Nagiarét, nước Do thái. Khoảng ba mươi tuổi, Người đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cuối cùng Người chịu chết trên thập giá thời Phongxiô Philatô, rồi sống lại và lên trời.

CUỘC KHỔ NẠN VÀ SỰ SỐNG LẠI CỦA CHÚA GIÊSU

8.
H. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đem lại cho ta điều gì?
T. Nhờ cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã chu toàn sứ mệnh đền tội và làm cho ta nên công chính.
9.
H. Dựa vào đâu mà biết Chúa Giêsu đã sống lại thật?
T. Dựa vào hai điều này:
– Một là ngôi mộ không còn xác Chúa mà chỉ còn lại những vải liệm xếp ngay ngắn gọn gàng.
– Hai là Chúa Giêsu đã nhiều lần hiện ra với các môn đệ, cùng ăn uống và trò chuyện thân mật với họ.
10.
H. Sự sống lại của Chúa Giêsu có ý nghĩa nào đối với chúng ta?
T. Sự sống lại của Chúa Giêsu có những ý nghĩa này:
– Một là mở lối cho chúng ta bước vào sự sống mới.
– Hai là khơi nguồn và bảo đảm sự sống lại sau này của chúng ta.

CHÚA THÁNH THẦN

11.
H. Chúa Thánh Thần là Đấng nào?
T. Chúa Thánh Thần là Ngôi thứ Ba, bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Người là Thiên Chúa thật, cùng một bản tính và một quyền năng như hai Ngôi cực trọng ấy.

ĐỨC MARIA

12.
H. Thiên Chúa đã ban cho Đức Maria những đặc ân nào?
T. Thiên Chúa đã ban cho Đức Maria những đặc ân này:
– Một là ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội.
– Hai là ơn làm Mẹ Thiên Chúa.
– Ba là ơn Đồng Trinh trọn đời.
– Bốn là ơn Hồn Xác lên Trời.

ĐỜI SỐNG VĨNH CỬU

13.
H. Theo Kitô-giáo, sự chết có ý nghĩa gì?
T. Theo Kitô-giáo, chết là kết thúc cuộc sống trần gian, là hậu quả của tội lỗi và là một biến đổi đi vào cuộc sống mới.
14.
H. Khi chết, con người sẽ ra sao?
T. Khi ấy linh hồn đến trước Tòa Chúa Kitô để chịu phán xét riêng về quảng đời đã sống trên trần gian. Sau đó linh hồn lên thiên đàng hoặc vào hỏa ngục hay chịu thanh tẩy trong luyện ngục.
15.
H. Có phán xét chung nữa không?
T. Sẽ có phán xét chung vào ngày Chúa Kitô trở lại trong vinh quang. Lúc ấy, tất cả mọi người sẽ trình diện trước tòa Chúa Kitô để trả lẽ về các hành vi của mình.

PHẦN II: BÍ TÍCH

1.
H. Có mấy Bí tích?
T. Có bảy Bí tích:
– Một là Bí tích Thánh Tẩy,
– Hai là Bí tích Thêm Sức,
– Ba là Bí tích Thánh Thể,
– Bốn là Bí tích Hòa Giải,
– Năm là Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân,
– Sáu là Bí tích Truyền Chức Thánh,
– Bảy là Bí tích Hôn Phối.

BÍ TÍCH THÁNH TẨY

2.
H. Bí tích Thánh Tẩy ban cho ta những ơn nào?
T. Bí tích Thánh Tẩyban cho ta những ơn này:
– Một là được tha tội nguyên tổ và các tội ta phạm, tha mọi hình phạt do tội gây ra,
– Hai là làm cho ta trở nên con cái Thiên Chúa, chi thể Chúa Kitô và đền thờ Chúa Thánh Thần,
– Ba là sát nhập ta vào Hội Thánh, và cho ta tham dự chức tư tế của Chúa Kitô,
– Bốn là ghi vào linh hồn ta dấu ấn thiêng liêng không thể xóa được.
3.
H. Những người không lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy có thể được cứu độ không?
T. Những người không lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩycó thể được cứu độ trong ba trường hợp này:
– Một là chịu chết vì đức tin,
– Hai là có lòng ước ao nhưng chưa có điều kiện lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy,
– Ba là chưa được biết Tin Mừng và Hội Thánh nhưng đã theo tiếng lương tâm mà sống ngay lành.
4.
H. Nghi thức chính yếu của Bí tích Thánh Tẩy là nghi thức nào?
T. Là dìm ứng viên vào nước hoặc đổ nước trên đầu người đó; đồng thời đọc lời này: “(Tên thánh), tôi rửa (ÔBACE) nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
5.
H. Có cần Thánh Tẩy cho các trẻ sơ sinh không?
T. Từ xa xưa, Hội Thánh đã Thánh Tẩy cho các trẻ sơ sinh, vì đầy là một ơn huệ Chúa ban và các em được thánh tẩy trong đức tin của Hội Thánh.

BÍ TÍCH THÊM SỨC

6.
H. Bí tích Thêm Sức là gì?
T. Là Bí tích Chúa Giêsu đã lập để ban Chúa Thánh Thần, giúp người tín hữu sống hoàn hảo hơn Bí tích Thánh Tẩy, liên kết mật thiết với Hội Thánh và làm chứng cho Chúa Kitô.
7.
H. Khi đã lãnh nhận Bí tích Thêm sức, ta có những bổn phận nào?
T. Ta có ba bổn phận này:
– Một là can đảm thực hành Lời Chúa để làm chứng cho Chúa Kitô trong cuộc sống thường ngày,
– Hai là góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Tin Mừng.
– Ba là tích cực bênh vực và truyền bá đức tin cho mọi người.

BÍ TÍCH THÁNH THỂ

8.
H. Bí tích Thánh Thể là gì?
T. Là Bí tích Chúa Giêsu đã lập để tiếp tục lễ hy sinh trên thánh giá và để ban Mình Máu Người dưới hình bánh rượu làm của nuôi linh hồn ta.
9.
H. Trong Thánh lễ, khi nào bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa Giêsu?
T. Khi linh mục đọc lời truyền phép thì nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa Giêsu.
10.
H. Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể thế nào?
T. Chúa Giêsu hiện diện dưới hình bánh rượu cách thực sự và toàn vẹn cùng với linh hồn và thần tính của Người.

THÁNH LỄ

11.
H. Thánh lễ là gì?
T. Thánh lễ là cuộc tưởng niệm lễ Vượt Qua của Chúa Kitô, là hiện tại hóa và tiến dâng lễ hy sinh của Người lên Chúa Cha.
12.
H. Hội Thánh dâng thánh lễ vì những ý nào?
T. Hội Thánh dâng thánh lễ vì những ý này:
– Một là để cảm tạ và ngợi khen Chúa Cha vì các ơn huệ Người ban cho loài người.
– Hai là để tưởng niệm Hy tế của Chúa Kitô và Thân thể Người là Hội Thánh.
– Ba là để đền bù tội lỗi của người sống, người chết, đồng thời xin Thiên Chúa ban cho ta những ơn lành hồn xác.
– Bốn là để các tín hữu được hiệp nhất với nhau trong Chúa Kitô.
13.
H. Thánh lễ có mấy phần?
T. Thánh lễ có hai phần chính:
Một là phụng vụ Lời Chúa. Hai là phụng vụ Thánh Thể.
14.
H. Muốn rước lễ thì phải có những điều kiện nào?
T. Muốn rước lễ thì phải sạch tội trọng, có ý ngay lành, dọn mình chu đáo và giữ chay theo luật dạy.

BÍ TÍCH HÒA GIẢI

15.
H. Bí tích Hòa giải là gì?
T. Là Bí tích Chúa Giêsu đã lập để tha các tội ta phạm từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội về sau, cùng giao hòa ta với Chúa và Hội Thánh.
16.
H. Bí tích Hòa giải ban những ơn ích thiêng liêng nào?
T. Bí tích Hòa giải ban cho ta những ơn này:
– Một là tha tội để giao hòa ta với Thiên Chúa và Hội Thánh.
– Hai là tha hình phạt muôn đời do các tội trọng đã gây ra và tha một phần các hình phạt tạm.
– Ba là ban sự bình an và gia tăng sức mạnh cho cuộc chiến đấu thiêng liêng của người kitô-hữu.
17.
H. Muốn lãnh nhận Bí tích Hòa giải thì phải làm gì?
T. Phải làm bốn việc này:
Một là xét mình
Hai là ăn năn dốc lòng chừa
Ba là xưng tội
Bốn là đền tội.

BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN

18.
H. Bí tích Xức dầu bệnh nhân là gì?
T. Là Bí tích Chúa Giêsu đã lập để ban ơn nâng đỡ bệnh nhân và người già yếu, về phần hồn và phần xác.
19.
H. Bí tích Xức dầu bệnh nhân ban những ơn nào?
T. Bí tích Xức dầu bệnh nhân ban những ơn này:
– Một là kết hợp bệnh nhân với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô để sinh ích cho chính mình và cho Hội Thánh.
– Hai là ban niềm an ủi và lòng can đảm để biết chịu đựng những đau đớn của bệnh tật hoặc tuổi già.
– Ba là tha thứ các tội lỗi nếu chưa xưng được,
– Bốn là phục hồi sức khỏe phần xác nếu điều này giúp ích cho ơn cứu độ thiêng liêng,
– Năm là chuẩn bị cho “cuộc vượt qua” sang cõi sống đời đời.

BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH

20.
H. Bí tích Truyền Chức Thánh là gì?
T. Là Bí tích Chúa Giêsu đã lập để thông ban chức linh mục cho những người được tuyển chọn, hầu phục vụ Dân Chúa bằng việc giảng dạy, tế tự và điều hành mục vụ.
21.
H. Có dấu nào cho biết mình có ơn kêu gọi?
T. Có ba dấu này:
Một là có ý ngay lành và ước muốn dấn thân phục vụ Chúa,
Hai là có đủ điều kiện Hội Thánh qui định,
Ba là được những người có trách nhiệm tuyển chọn.
22.
H. Người muốn dâng mình cho Chúa thì phải làm gì?
T. Phải cầu nguyện, suy nghĩ, xin người khôn ngoan chỉ dẫn và sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa.

BÍ TÍCH HÔN PHỐI

23.
H. Bí tích Hôn phối là gì?
T. Là Bí tích Chúa Giêsu đã lập để kết hợp hai người tín hữu, một nam một nữ, thành vợ chồng trước mặt Chúa và Hội Thánh, cùng ban cho họ sống xứng đáng ơn gọi của mình.
24.
H. Hôn nhân Công giáo có mục đích nào?
T. Hôn nhân Công giáo có hai mục đích này:
– Một là vợ chồng yêu thương và bổ túc cho nhau.
– Hai là cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản, giáo dục con cái.
25.
H. Hôn nhân Công giáo có những đặc tính nào?
T. Hôn nhân Công giáo có hai đặt tính này:
– Một là sống một vợ một chồng.
– Hai là trung thành yêu thương nhau trọn đời.

PHẦN III: SỐNG TRONG CHÚA KITÔ

1.
H. Sống như môn đệ Chúa Kitô là thế nào?
T. Là thực hiện tinh thần bài giảng trên núi được gồm tóm trong các mối phúc thật.
2.
H. Có những mối phúc thật nào?
T. Chúa Kitô đã công bố tám mối phúc thật này:
Thứ nhất: Ai có lòng khó khăn, ấy là phúc thật, vì chưng Nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.
Thứ hai: Ai hiền lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được đất Đức Chúa Trời làm của mình vậy.
Thứ ba: Ai khóc lóc, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được an ủi vậy.
Thứ bốn: Ai khao khát nhân đức trọn lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được no đủ vậy.
Thứ năm: Ai thương xót người, ấy là phúc thật, vì chưng mình sẽ được thương xót vậy.
Thứ sáu: Ai giữ lòng sạch sẽ, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được thấy mặt Đức Chúa Trời vậy.
Thứ bảy: Ai làm cho người hòa thuận, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời vậy.
Thứ tám: Ai chịu khốn nạn vì đạo ngay, ấy là phúc thật, vì chưng Nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.

LƯƠNG TÂM

3.
H. Lương tâm là gì?
T. Lương tâm là luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã đặt sẵn nơi đáy lòng mỗi người để soi dẫn họ làm lành lánh dữ.
4.
H. Ta phải làm gì để đào tạo lương tâm mình?
T. Ta phải xa lánh tội lỗi,
phải cầu nguyện, học hỏi Lời Chúa,
nghe theo các giáo huấn của Hội Thánh,
vâng lời những người có trách nhiệm dạy dỗ ta
và năng bàn hỏi với những người đạo đức khôn ngoan.

NHÂN ĐỨC

5.
H. Có mấy thứ nhân đức?
T. Có hai thứ: Một là các nhân đức nhân bản.
Hai là các nhân đức đối thần.
6.
H. Có mấy nhân đức nhân bản?
T. Có nhiều nhân đức nhân bản, trong đó bốn nhân đức chính là:
khôn ngoan, công bằng, dũng cảm và tiết độ.
7.
H. Có kinh nào giúp ta dễ nhớ những nhân đức phải tập luyện chăng?
T. Có kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức”:
– Thứ nhất Khiêm nhượng chớ kiêu ngạo,
– Thứ hai Rộng rãi chớ hà tiện,
– Thứ ba Giữ mình sạch sẽ chớ mê dâm dục,
– Thứ bốn Hay nhịn chớ hờn giận,
– Thứ năm Kiêng bớt chớ mê ăn uống,
– Thứ sáu Yêu người chớ ghen ghét,
– Thứ bảy Siêng năng việc Đức Chúa Trời chớ làm biếng.
8.
H. Có mấy nhân đức đối thần?
T. Có ba nhân đức đối thần là Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.
9.
H. Ngoài ba nhân đức đối thần, ta còn được hưởng những ơn nào nữa không?
T. Ta còn được nâng đỡ bởi bảy ơn Chúa Thánh Thần:
– Một là ơn khôn ngoan,
– Hai là ơn hiểu biết,
– Ba là ơn thông minh,
– Bốn là ơn biết lo liệu,
– Năm là ơn sức mạnh,
– Sáu là ơn đạo đức,
– Bảy là ơn biết kính sợ Thiên Chúa.

TỘI LỖI

10.
H. Tội là gì?
T. Tội là lời nói, việc làm hoặc ước muốn nghịch với Luật Chúa. Tội xúc phạm đến Thiên Chúa, gây tổn thương cho bản thân và cho tình liên đới với tha nhân.
11.
H. Các tội ta phạm thường do những nết xấu nào?
T. Thường do bảy nết xấu này, quen gọi là bảy mối tội đầu:
– Một là kiêu ngạo,
– Hai là hà tiện,
– Ba là dâm ô,
– Bốn là hờn giận,
– Năm là mê ăn uống,
– Sáu là ghen ghét,
– Bảy là lười biếng.
12.
H. Ta phải có thái độ nào đối với tội lỗi?
T. Ta phải dứt khoát với tội lỗi, xa tránh dịp tội, siêng năng xưng tội, rước lễ và cố gắng đổi mới đời sống hằng ngày.
13.
H. Để giúp ta tăng lòng mến Chúa yêu người, Hội Thánh có những điều răn nào?
T. Hội Thánh có sáu điều răn:
Thứ nhất Dự lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc
Thứ hai Chớ làm việc xác ngày Chúa nhật cùng các ngày lễ buộc,
Thứ ba Xưng tội trong một năm ít là một lần,
Thứ bốn Chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu trong mùa Phục sinh,
Thứ năm Giữ chay những ngày Hội Thánh buộc,
Thứ sáu Kiêng thịt ngày thứ sáu cùng các ngày khác Hội Thánh dạy

MƯỜI ĐIỀU RĂN

14.
H. Mười điều răn Chúa truyền là những điều nào?
– Thứ nhất Thờ phượng một mình Thiên Chúa và kính mến Người trên hết mọi sự.
– Thứ hai Chớ kêu tên Thiên Chúa cách bất kính.
– Thứ ba Thánh hóa ngày Chúa nhật.
– Thứ bốn Thảo kính cha mẹ.
– Thứ năm Chớ giết người.
– Thứ sáu Chớ làm điều tà dâm.
– Thứ bảy Chớ lấy của người.
– Thứ tám Chớ làm chứng dối.
– Thứ chín Chớ muốn vợ chồng người.
– Thứ mười Chớ tham của người.

Điều răn I: THỜ PHƯỢNG VÀ KÍNH MẾN THIÊN CHÚA

15.

H. Có những tội nào nghịch lại Điều răn thứ nhất?
T. Có những tội này:
– Một là mê tín dị đoan,
– Hai là tôn thờ các loài thụ tạo,
– Ba là bói toán và ma thuật,
– Bốn là cố tình thử thách Thiên Chúa,
– Năm là phạm sự thánh,
– Sáu là buôn thần bán thánh,
– Bảy là chối bỏ Thiên Chúa,
– Tám là chủ trương không thể biết gì về Thiên Chúa.

Điều răn II: TÔN KÍNH DANH THÁNH THIÊN CHÚA

16.
H. Có những tội nào nghịch điều răn thứ hai?
T. Có những tội này:
– Một là sử dụng cách bất xứng Danh Thánh Thiên Chúa, Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các Thánh.
– Hai là không giữ những điều đã thề hứa nhân danh Thiên Chúa,
– Ba là nói phạm đến Thiên Chúa và Hội Thánh,
– Bốn là thề gian.
17.
H. Để tôn vinh Danh Chúa trong mọi sự, ta nên làm gì?
T. Ta nên làm dấu Thánh giá khi khởi đầu ngày sống, khởi đầu mọi kinh nguyện cũng như mọi việc làm.

Điều răn III: THÁNH HÓA NGÀY CHÚA NHẬT

18.
H. Ngày Chúa nhật có những ý nghĩa nào?
T. Có những ý nghĩa này:
– Một là nhắc nhớ việc sáng tạo mới, được thực hiện nhờ cuộc Phục sinh của Chúa Kitô vào ngày “thứ nhất trong tuần”,
– Hai là hoàn tất ý nghĩa ngày lễ nghỉ Do thái và hướng tới sự nghỉ ngơi muôn đời nơi Thiên Chúa.
19.
H. Ta phải làm gì để thánh hóa những ngày ấy?
T. Ta phải dự thánh lễ, nghỉ việc xác và nên làm thêm các việc lành, như tham dự các giờ kinh chung, làm các việc bác ái và tông đồ.

Điều răn IV: THẢO KÍNH CHA MẸ

20.
H. Điều răn thứ bốn dạy ta những gì?
T. Điều răn thứ bốn dạy ta sống đúng chức phận mình trong gia đình, Hội Thánh và xã hội, mà trước hết là phải thảo kính cha mẹ cho tròn chữ hiếu.
21.
H. Theo Tin Mừng, Hội Thánh dạy ta những nghĩa vụ nào để kiện toàn đạo hiếu?
T. Hội Thánh dạy ta những nghĩa vụ này:
– Một là tôn kính, biết ơn và vâng lời cha mẹ trong những điều chính đáng,
– Hai là lo cho cha mẹ khi các ngài còn sống được đầy đủ về phần xác cũng như phần hồn.
Ba là khi cha mẹ qua đời, phải lo việc an táng, hương khói, làm các việc lành, cầu nguyện và dâng lễ cho các ngài

Điều răn V: TÔN TRỌNG SỰ SỐNG

22.
H. Có những tội nào nghịch với điều răn thứ năm?
T. Có những tội này:
– Một là cố sát, nghĩa là cố ý giết người cách trực tiếp hoặc gián tiếp,
– Hai là triệt sản, phá thai và cộng tác vào tội này,
– Ba là làm chết êm dịu.
– Bốn là tự sát,
– Năm là phá hoại hoặc gây nguy hiểm cho sức khỏe của mình và của người khác.
23.
H. Có khi nào xâm phạm tới sự sống người khác mà chẳng mắc tội không?
T. Có, trong trường hợp tự vệ chính đáng, để bảo vệ mạng sống mình hay bảo vệ tổ quốc mà buộc lòng ta phải phạm đến người tấn công mình.

Điều răn VI: KHÔNG LÀM SỰ DÂM Ô

24.
H. Đức khiết tịnh là gì?
T. Là ơn Chúa ban giúp ta làm chủ bản năng tính dục để sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa trong bậc sống của mình.
25.
H. Sự khiết tịnh trong đời sống hôn nhân được biểu lộ thế nào?
T. Được biểu lộ qua ba điều này:
– Một là yêu thương và kính trọng nhau mọi ngày,
– Hai là trung thành với nhau suốt đời bằng một tình yêu không chia sẻ,
– Ba là sinh con một cách có trách nhiệm theo như luật Chúa dạy.
26.
H. Hội Thánh dạy thế nào về sinh sản có trách nhiệm?
T. Hội Thánh dạy những điều này:
– Một là làm chủ bản năng tính dục,
– Hai là hiểu biết hoàn cảnh cụ thể của gia đình để cùng nhau quyết định nên sinh con hay tạm ngưng,
– Ba là chỉ dùng những phương pháp ngừa thai tôn trọng luật tự nhiên.
– Bốn là chấp nhận đứa con ngoài ý muốn (x. Thông điệp “Sự sống con người” số 10-21).

Điều răn VII: GIỮ SỰ CÔNG BẰNG

27.
H. Tội lấy của người khác cách bất công là những tội nào?
T. Là những tội này:
– Một là trộm cướp,
– Hai là gian lận,
– Ba là cho vay ăn lời quá đáng,
– Bốn là nhận của hối lộ hoặc thâm lạm của công.
– Năm là đầu cơ tích trữ hoặc bắt chẹt người tiêu dùng.
28.
H. Tội giữ của người khác cách bất công là những tội nào?
T. Là những tội này:
– Một là không trả nợ,
– Hai là không hoàn lại của đã mượn hay lượm được,
– Ba là không trả tiền công xứng đáng,
– Bốn là trốn thuế,
– Năm là oa trữ của gian.
29.
H. Kẻ đã lỗi đức công bình thì phải làm thế nào?
T. Phải hoàn trả lại những tài sản đã chiếm đoạt, và bồi thường cân xứng những thiệt hại đã gây ra.

Điều răn VIII: TÔN TRỌNG SỰ THẬT

30.
H. Có những tội nào nghịch với điều răn thứ tám?
T. Có những tội này:
– Một là làm chứng gian dối và bội thề,
– Hai là làm mất thanh danh người khác như: nói hành, nói xấu, và vu khống, cáo gian.
– Ba là nói dối,
– Bốn là tán dương người khác khi họ làm điều xấu.
– Năm là không làm chứng cho sự thật.
31.
H. Có được phép tiết lộ những điều phải giữ kín không?
T. Không được, trừ khi ích chung quan trọng bắt buộc ta phải nói ra. Tuy nhiên cha giải tội tuyệt đối giữ kín bí mật của Bí tích Hòa Giải.
32.
H. Kẻ làm thiệt hại danh giá người ta có phải đền trả không?
T. Phải đền trả danh thơm tiếng tốt cho người ta và nếu có gây thiệt hại vật chất thì cũng phải bồi thường nữa.

Điều răn IX: GIỮ TƯ TƯỞNG TRONG SẠCH

33.
H. Điều răn thứ chín dạy ta sự gì?
T. Điều răn thứ chín dạy ta phải sống trong sạch từ trong tư tưởng và chống lại những ham muốn xác thịt nghịch đức trong sạch.
34.
H. Khi có những hình ảnh, tư tưởng dâm ô trong tâm trí, ta phải làm gì?
T. Ta phải mau mắn loai bỏ và tránh dịp tội, đồng thời cầu xin Chúa và Đức Mẹ giúp ta thắng vượt cám dỗ.

Điều răn X: KHÔNG THAM LAM CỦA NGƯỜI

35.
H. Điều răn thứ muời dạy ta những gì?
T. Điều răn thứ mười dạy ta giữ lòng khỏi ham mê của cải quá đáng, để không tham lam muốn lấy của người khác và không ghen tỵ với người khác.
36.
H. Muốn chống lại tính ghen tỵ ta cần làm những gì?
T. Ta cần biết cầu xin sự lành cho người khác và xin ơn biết vui mừng khi họ được may lành.
37.
H. Muốn giữ lòng khỏi đam mê của cải quá đáng, ta cần làm những gì?
T. Ta cần tập sống tinh thần nghèo khó để hằng ngày biết hy sinh từ bỏ, tập dành ưu tiên cho việc tìm kiếm Nước Trời, và nhất là luôn hướng lòng về Thiên Chúa, ao ước được ngắm nhìn Người.

ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

38.
H. Cầu nguyện là gì?
T. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, để gặp gỡ và hiệp thông với Người trong tình yêu thương.
39.
H. Ta có được liên kết với Đức Maria khi cầu nguyện không?
T. Có, vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, và cũng là Mẹ chúng ta. Cho nên khi cầu nguyện, ta hãy liên kết với Mẹ mà ca tụng, tạ ơn Thiên Chúa, và xin Mẹ chuyển cầu cho ta.
40.
H. Ta phải làm gì khi cầu nguyện mãi mà không được Chúa nhận lời?
T. Ta phải đặt trọn niềm tín thác vào Chúa, và kiên trì cầu nguyện, như Chúa dạy: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1).
Bản quyền thuộc Gia Đình Sống Tin Mừng Tình Yêu. Email: admin@songtinmungtinhyeu.org
Online / Total visit: shopify analytics ecommerce tracking

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *