Tìm Hiểu Về Bí Tích Hoà Giải

TÌM HIỂU VỀ BÍ TÍCH HÒA GIẢI

TÌM HIỂU VỀ BÍ TÍCH HÒA GIẢI

TRONG KHUÔN KHỔ MỤC VỤ THỰC TIỄN CỦA GIÁO XỨ

LỜI CHÚA  :

“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (Ga 20,23).

 

BÀI HỌC :         

Bí tích Hoà Giải là dấu chỉ Chúa Giêsu đã lập để tha các tội ta đã phạm cùng giao hòa ta với Thiên Chúa và mọi người.

Bí tích này có nhiều tên gọi: Bí tích Hoán Cải, Sám Hối, Xưng Tội, Tha Tội, Giải Tội…

  

I .  BÍ TÍCH HOÀ GIẢI BAN CHO TA  NHỮNG ƠN GÌ ?

Khi được Thánh Tẩy, chúng ta đã trở nên tạo vật mới nhưng bản chất con người vốn yếu đuối thường hay sa ngã nên cần được phục hồi qua bí tích Giải Tội (x.1Cr 6,11; 1Ga 1,8).

– Xưng Tội là để được tha tội nhằm giao hòa với Thiên Chúa và mọi người. Cao điểm của bí tích này chính là để giao hòa, gặp gỡ Thiên Chúa và con người; được sạch tội là để tạo điều kiện cho sự gặp gỡ thân mật ấy.

– Bí tích Giải Tội còn ban ơn trợ giúp hối nhân vượt thắng tội lỗi. Do đó, dù khi chỉ phạm tội nhẹ, chúng ta cũng cần đến bí tích này để lãnh nhận ơn trợ giúp của Chúa.

   

II – MUỐN XƯNG TỘI  PHẢI LÀM NHỮNG VIỆC GÌ?

1) Xét mình :

Trước khi kiểm điểm đời sống, có thể đọc kinh Xét mình (trang 13) để xin Chúa soi sáng.

Có nhiều cách xét mình:

  1. a)  Dựa vào Lời Chúa để xét xem chúng ta còn thiếu sót những gì có thể rút ra từ Lời Chúa, nhất là những bản văn liên quan đến thống hối, luân lý ?
  2. b)  Dựa vào 4 tương quan với Thiên Chúa, với anh chị em, với chính mình và với các thụ tạo khác (môi trường), xem còn thiếu sót những bổn phận gì ?

 

*  Đối với Thiên Chúa:

Tôi thường lỗi bổn phận với Thiên Chúa vì những lỗi sau đây liên quan đến đức tin, đức cậy và đức mến:

– Hoài nghi những điều Thiên Chúa và Hội Thánh dạy … lần.

– Hổ thẹn không dám tỏ ra mình là Kitô hữu…

– Tin dị đoan, bói toán … 

– Quá cậy sức mình … 

– Thất vọng, thiếu trông cậy nơi Chúa …

– Còn tội trọng chưa xưng mà vẫn rước lễ …

– Bỏ lễ ngày Chúa Nhật …

– Bỏ cầu nguyện sáng tối …

– Bỏ xưng tội một năm …  

– Không rước lễ trong mùa Phục Sinh

 

*  đối với tha nhân :

Tôi thường hay lỗi phạm đến tha nhân trong các bổn phận bác ái, công bình và trong sạch:

– Không yêu mến, tôn kính, vâng phục cha mẹ hay người trên …

– Không chăm sóc, dạy dỗ và làm gương cho con cái …

– Thiếu bổn phận bác ái, giúp đỡ người cùng khốn …

– Giết người hoặc gây thương tích …

– Tự sát hay có ý tự tử …

– Giận hờn, oán thù, nói xấu, hại người khác..

– Vu oan cho người khác … 

– Làm gương xấu …

– Trộm cắp … Gian lận … Lấy lời quá mức …

– Nhận hối lộ … Lấy của công … Làm hư hại tài sản chung …

– Không trả nợ, Không hoàn trả của lượm được

– Trả tiền công không xứng đáng …

– Trốn thuế …

– Tham lam … Mơ ước chiếm của người khác

– Nói dối … Lường gạt … Làm chứng gian …

– Tiết lộ điều phải giữ kín …

– Làm mất danh dự của người khác …

– Phá thai hoặc cộng tác vào việc phá thai …

– Ngoại tình …

– Có những hành động dâm ô với người khác (cùng phái, khác phái, người đi tu hay thường).

 

*  đối với bản thân:

– Không chăm lo sức khoẻ …

– Ăn chơi trụy lạc …

– Có những ý nghĩ và ước muốn không trong sạch, hoặc thủ dâm …

– Không luyện tập và phát triển các đức tính tốt

 

* đối với môi trường thiên nhiên:

– không giữ vệ sinh chung, phóng uế, khạc nhổ bừa bãi

– vứt rác bừa bãi

– thải chất độc hại vào môi trường mà không quan tâm xử lý trước

– không quan tâm chăm sóc môi trường, chỉ lo cho nhu cầu riêng

– cộng tác việc tàn phá rừng vô độ

– khai thác đánh bắt loài vật trong thiên nhiên không chừng mực.

– không chú ý ngăn chặn hay hạn chế sự lây lan của dịch bệnh

– không sử dụng đúng mức các vật dụng có thể tái sử dụng, hoang phí

– chưa cố gắng phân loại rác để giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường

 

  1. c)  Dựa vào Kinh 10 Giới Răn Thiên Chúa và 5 điều răn Hội Thánh để rà xét lại đời sống.

 

2)  Ăn năn tội :

Sám hối là “đau đớn trong lòng và chê ghét tội đã phạm, dốc lòng chừa từ nay không phạm nữa” (DS 1676).

Có thể đọc kinh Thú nhận, hay kinh Ăn năn tội.

 

3)  Xưng tội :

 Thú tội là nhận mình có tội, có trách nhiệm về tội đã phạm và sẵn sàng hoà giải. “Khi cố ý xưng hết tội nhớ được, người tín hữu trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa để được Người tha thứ. Ai cố tình giấu tội, người ấy không sẵn sàng đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa qua trung gian linh mục. Vì nếu bệnh nhân xấu hổ không cho thầy thuốc coi vết thương thì làm sao chữa được” (Trentô, DS 1680).

“Dù không bó buộc, Hội Thánh vẫn khuyên các tín hữu nên xưng các lỗi thường ngày (các tội nhẹ). Việc năng xưng các tội nhẹ giúp chúng ta rèn luyện lương tâm, giúp chiến đấu chống lại các khuynh hướng xấu, sẵn sàng để Đức Kitô chữa lành và tiến tới trong đời sống theo Thánh Thần” (GLHTCG 1458).

 

Khi vào tòa giải tội có thể nói như sau:

Làm Dấu Thánh Giá: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

“Thưa cha, con xưng tội cách đây … (mấy tuần hay mấy tháng, mấy năm). Con đã phạm tội mất lòng Chúa và tha nhân, con đã xét mình và ăn năn tội; bây giờ con muốn xưng thú tội lỗi của mình.

-Thưa cha, trong đời sống tương quan với Chúa, con đã / có … lần.

-Trong đời sống bổn phận với mọi người, con đã / có … lần. …

-Trong bổn phận đối với bản thân, con đã / có…

– Trong bổn phận đối với môi trường thiên nhiên, con đã / có …

 Thưa cha, con đã xưng xong. (và con muốn xưng cả những tội quên sót, xin cha dùng quyền của Hội Thánh mà tha tội cho con.)”

 

4) Nghe lời xá giải :

Sau khi nghe lời thú tội, linh mục sẽ hướng dẫn và khuyên giải, ra việc đền tội và đọc lời tha tội:

“Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho con ơn tha thứ và bình an, vậy cha tha tội cho con nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

Hối nhân thưa: AMEN.

Linh Mục: Chúc (con) ra về bằng an!

Hối nhân thưa: con Tạ ơn Chúa và cám ơn cha.

 

5) Đền tội :

Sau khi ra khỏi toà giải tội, hối nhân đọc những Kinh hoặc làm những việc mà cha giải tội đã chỉ bảo, làm lúc đó hay để lúc khác. Việc đền tội chỉ có tính sám hối và tạ ơn, và quan trọng là quyết tâm chừa cải hoặc làm một điều gì đó cho thật tốt. Riêng về những tội phạm đến sự công bằng, dù đã được tha song còn đòi buộc chúng ta phải đền bù thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần. Cuối cùng nên đọc Kinh Lạy Cha trong tâm tình giao hoà với Thiên Chúa.

Tóm lại, dấu chỉ hữu hình của bí tích Hoà Giải là việc sám hối và lời tha tội. Việc sám hối biểu lộ qua các trình tự : xét mình, ăn năn tội, xưng tội và đền tội.

 

 

THỨ TỰ CÁC KINH CÓ THỂ ĐỌC VÀ VIỆC CẦN LÀM

 

CÁC KINH ĐỌC TRƯỚC KHI XƯNG TỘI

Kinh Đức Chúa Thánh Thần:

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng. Chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống, đầy lòng chúng con là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.– Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rầy chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống, yên ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

Kinh Tin:

Lạy Chúa con, con tin thật có một Đức Chúa Trời là Đấng thưởng phạt vô cùng. Con lại tin thật Đức Chúa Trời có Ba Ngôi, mà Ngôi thứ Hai đã xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết mà chuộc tội cho thiên hạ.

Bấy nhiêu điều ấy cùng các điều khác Hội Thánh dạy thì con tin vững vàng vì Chúa là Đấng thông minh và chân thật vô cùng đã phán truyền cho Hội Thánh. Amen .

Kinh Cậy:

Lạy Chúa con, con trông cậy vững vàng vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu thì Chúa sẽ ban ơn cho con giữ đạo nên ở đời này, cho ngày sau được lên thiên đàng xem thấy mặt Đức Chúa Trời hưởng phúc đời đời, vì Chúa là đấng phép tắc và lòng lành vô cùng đã phán hứa sự ấy chẳng có lẽ nào sai được. Amen.

Kinh Kính Mến:

Lạy Chúa con, con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự vì Chúa là đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, lại vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậỵ Amen.

Kinh Sáng Soi:

Cúi xin Chúa sáng soi, cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành, đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

Kinh Cáo Mình:

Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em. Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Vì vậy tôi xin Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các thiên thần, các thánh và anh chị em, khẩn cầu cho tôi trước tòa Thiên Chúa, Chúa chúng ta . Amen.

 

 SUY XÉT LẠI BẢN THÂN ĐÃ PHẠM TỘI GÌ

Kinh Ăn Năn Tội:

Lạy Chúa con, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự, con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.

 

ĐẾN XƯNG TỘI

 THỰC HIỆN VIỆC ĐỀN TỘI MÀ CHA GIẢI TỘI CĂN DẶN 

TÌM HIỂU VỀ BÍ TÍCH HÒA GIẢI

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *